Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động từ ngày 10/11 - 10/12/2022 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”. Tháng hành động là sự kiện quan trọng nhằm huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, đặc biệt là thanh niên, vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Kể từ khi phát hiện người nhiễm HIV lần đầu tiên vào năm 1990 đến nay, Việt Nam luôn chủ động ứng phó một cách toàn diện với công tác phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời là một trong những quốc gia đi đầu trong thực hiện các cam kết về phòng, chống HIV/AIDS do thế giới và khu vực đề xuất, phát động.
Với những giải pháp toàn diện và hiệu quả, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy từ 28,6% (năm 2004) xuống 12,7% (năm 2019) và phụ nữ bán dâm từ 5,9% (năm 2002) xuống 3,1% (năm 2020). Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong thanh niên. Số người nhiễm HIV được phát hiện mỗi năm vẫn còn cao hơn 10.000 người - còn khá xa so với mục tiêu mà Việt Nam phấn đấu là đưa số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. Đặc biệt, người nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh. Nhóm tuổi từ 15 - 24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4% (năm 2012) lên 12,9% (năm 2019) và 25,6% (năm 2021). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên quan hệ đồng tính nam có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây, chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020.
Bên cạnh đó, kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên còn nhiều hạn chế. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ từ 15 - 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ từ 15 - 24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%.
Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam từ 15 - 49 tuổi là 80%. Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi từ 15 - 24 có nhiều hơn 1 bạn tình là 14%, đây là yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục hiện nay.
Trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, đòi hỏi công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên cần được đẩy mạnh và cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ và phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục bằng nhiều hình thức để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh trong cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.