Hiện đang trong giai đoạn giao mùa thu – đông, các bệnh thường gặp là cúm A, B, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... đặc biệt bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo tuần 44 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, số ca mắc sốt xuất huyết từ tuần 30 tới nay vẫn duy trì ở mức cao, hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Ngoài ra nguy cơ bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ có khả năng xâm nhập do mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, nhiều khả năng tỉnh Bắc Ninh sẽ ghi nhận các trường hợp mắc.
Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm thời tiết giao mùa. Vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, thực hiện ăn chín, uống chín, vệ sinh cá nhân; các gia đình hàng tuần tổng vệ sinh, diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm..., đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi vừa có dấu hiệu mắc bệnh; Thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, Đồng thời khuyến cáo người dân cần chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Các đơn vị cần tăng cường công tác giám sát bệnh đậu mùa khỉ và các dịch bệnh truyền nhiễm khác theo quy định. Phối hợp với địa phương triển khai và duy trì Chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch bệnh.
Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 09/10/2023, cả nước ghi nhận 16 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Trong đó năm 2022, ghi nhận 02 trường hợp bệnh xâm nhập. Từ đầu tháng 7/2023 đến nay ghi nhận 14 trường hợp chủ yếu tập trung tại Tp. Hồ Chí Minh (12), tại tỉnh Bình Dương (02).
Riêng 12 trường hợp tại thành phố Hồ Chí Minh: các các trường hợp được ghi nhận tại 9/22 quận huyện. Hầu hết được tiếp nhận tại các cơ sở y tế điều trị. Độ tuổi ghi nhận từ 18-39, tất cả là nam, 50% trường hợp có HIV, 50% thuộc nhóm quan hệ đồng giới. Tất cả các trường hợp đều có triệu chứng lâm sàng (phổ biến nhất là mụn nước/mụn mủ/phát ban). Đa số các trường hợp không có yếu tố liên quan đến nước ngoài.
Hiện bệnh Đậu mùa khỉ đã được phân loại là bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn khác ngoài khu vực thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam.
Tổng hợp