HƯỞNG ỨNG NGÀY QUỐC TẾ TRẺ EM GÁI 11/10

10/10/2022

         Ngày Quốc tế Trẻ em gái (International Day of the Girl) được Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức vào ngày 11/10 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của cộng đồng.

          Hằng năm, Liên Hợp Quốc đều xây dựng những chủ đề riêng dành cho ngày Quốc tế Trẻ em gái, khuyến khích và bảo vệ nhân quyền cũng như các yếu tố về giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn. Năm 2022, Ngày Quốc tế Trẻ em gái với chủ đề: “Our time is now-our rights, our future”, nghĩa là “Thời đại của chúng ta là bây giờ - quyền của chúng ta, tương lai của chúng ta” nhằm thay đổi nhận thức và thúc đẩy sự quan tâm với trẻ em gái trong cộng đồng.

Ảnh: Internet

          Tại Việt Nam, ngày 14/9/2022, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã ra Công văn số 582/TCDS-TTGD về việc hướng dẫn nội dung truyền thông hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới, Ngày quốc tế người cao tuổi và Ngày quốc tế trẻ em gái. Trong đó, ngày quốc tế trẻ em gái năm nay có chủ đề: Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”

          Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng cao hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006. Năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, trong khi đó mức tự nhiên là từ 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đang đứng ở ngưỡng rất cao, đặc biệt là khi so sánh với mức cao nhất thế giới là 114,6% của Azerbaijan, đứng thứ 3 châu Á chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả điều tra cũng cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái). 

          Năm 2021, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, một số tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước là: tỉnh Sơn La là 118,2 bé trai/100 bé gái; tỉnh Hưng Yên 118,1 bé trai/100 bé gái; tỉnh Bắc Ninh 117,7 bé trai/100 bé gái, Hà Nội 113 bé trai/100 bé gái…

          Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam, trong đó nguyên nhân chính là do: Sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh; tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên; yếu tố văn hóa, phong tục tập quán với mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chuẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính… là nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng MCBGTKS.

          Tình trạng MCBGTKS hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy là thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Điều này sẽ tác động tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân: nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ giới, kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời dẫn tới phải trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. MCBGTKS cũng làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn xã hội như: phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi; bạo lực gia đình; sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng; nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; thiếu hụt nguồn lao động ở một số ngành nghề đặc thù cần nữ giới....

          Để ngăn chặn tình trạng MCBGTKS, giải pháp then chốt đó là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

          Tại Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng”.Trong mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng ghi rõ: "Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Trong đó, tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống".

          Muốn thực hiện thành công mục tiêu này cần sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội để xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới đem lại tương lai tốt đẹp cho trẻ em gái và phụ nữ, góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

ChuyenNguyen - TTYT huyện Tiên Du