Chương trình Tiêm chủng mở rộng toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, thành lập vào năm 1974 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin công bằng để bảo vệ, cứu sống trẻ em trên toàn cầu. Tuần lễ tiêm chủng thế giới hàng năm là sáng kiến do WHO phát động, diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 4 hàng năm nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, giúp họ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.
Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 diễn ra từ ngày 24-30/4/2024 cùng với thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập Chương trình Tiêm chủng mở rộng toàn cầu, đây là dịp để tôn vinh thành tựu của Tiêm chủng mở rộng, nêu bật tác động của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong cứu sống, bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường công tác tiêm chủng quan trọng này. Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam được triển khai rộng khắp trên cả nước trong gần 40 năm qua cho các đối tượng ưu tiên là trẻ em và phụ nữ, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Việt Nam thông qua TCMR vào năm 1981. Hiện nay, chương trình TCMR nước ta cung cấp các loại vắc xin phòng được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm bao gồm lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh tả (vùng có nguy cơ cao) và thương hàn (vùng có nguy cơ cao). Vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota, vắc xin phòng bệnh do phế cầu, vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung và vắc xin phòng bệnh cúm mùa là 4 loại vắc xin dự kiến sẽ được đưa vào Chương trình TCMR theo Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về Lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình TCMR giai đoạn 2021 – 2030.
Chương trình TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ bản về cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là an toàn, đã được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Hãy bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Đầu tư cho tiêm chủng là một trong những khoản đầu tư tốt nhất cho sức khỏe.
THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG –TUẦN LỄ TIÊM CHỦNG
I. Thông điệp chính: “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”
II. Các thông điệp khác
1. Vắc xin cứu sống hơn 3 triệu trẻ em trên toàn cầu mỗi năm.
2. Tiêm chủng hôm nay vì một tương lai khỏe mạnh và hạnh phúc mai sau.
3. Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất phòng một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.
4. Cán bộ tiêm chủng -chiến sỹ áo trắng thầm lặng bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
5. Tiêm chủng cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội.
6. Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng.
7. Hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảovệ trẻ không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
8. Trẻ em và phụ nữ có thai được tiêm chủng miễn phí các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
9. Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi 1 ngay khi trẻ 9 tháng tuổi.
10. Nếu chưa được tiêmchủng đầy đủ, hãy đưa trẻ đi tiêm bù để được bảo vệ trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tổng hợp