Kế hoạch Phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2024

05/04/2024

Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, khu vực miền Bắc có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; đây cũng là thời điểm dễ bùng phát và lây lan các bệnh dịch theo đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua vật chủ trung gian truyền bệnh...

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Ninh, trong 3 tuần liên tiếp (từ ngày 07/3/2024 đến ngày 27/03/2024), trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3-10 ca tay chân miệng/tuần. Từ đầu năm 2024 đến hết 31/3/2024 đã có 53 trường hợp mắc tay chân miệng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ 2023 (18 ca mắc), sốt xuất huyết ghi nhận 19 ca mắc, tăng 10 ca so với cùng kỳ 2023. Ngoài ra số ca mắc cúm trên địa bàn cũng có xu hướng gia tăng so với năm 2023, ho gà cũng xuất hiện trên địa bàn (ghi nhận 01 trường hợp, trong khi năm 2023 không ghi nhận trường hợp nào).

Để chủ động trong công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh mùa hè, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Trung tâm Y tế huyện Tiên Du xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa Hè năm 2024 như sau:

  I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu chung:

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, không để dịch bùng phát, lây lan trên địa bàn huyện, khống chế tỷ lệ mắc và không để bệnh nhân tử vong do dịch bệnh.

2. Mục tiêu cụ thể:  

- Chủ động triển khai giám sát chặt chẽ tại 100% các ổ dịch cũ, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh mới, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch bùng phát, lây lan trên địa bàn huyện.

- Tổ chức tuyên truyền đến 100% các xã, thị trấn để người dân nắm được kiến thức về bệnh dịch mùa hè, các biện pháp phòng chống, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, hình thành thói quen áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các hộ gia đình; cộng đồng dân cư.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất, phương tiện, nhân lực và sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cấp cứu và điều trị người mắc bệnh.

  II. Nội dung hoạt động.

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

  • Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch mùa hè của đơn vị, hướng dẫn TYT các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, chủ động, sẵn sàng đáp ứng diễn biến tình hình dịch;

  • Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chuyên môn phòng chống dịch.

  • Tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại đơn vị và các xã, thị trấn.

2. Công tác thông tin tuyên truyền. 

  • Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng chống dịch. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông , tổ chức truyền thông trên  các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng;

  • Tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng chiến dịch vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, diệt muỗi, loãng quăng, bọ gậy. 

3. Công tác giám sát, xử lý ổ dịch.

3.1. Nội dung cụ thể.

- Tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh mùa hè, dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, chú trọng các bệnh có nguy cơ bùng phát như: sốt xuất huyết Dengue, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, cúm, đau mắt đỏ ... 

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp tự chăm sóc, đảm bảo sức khỏe trong điều kiện thời tiết nắng, nóng; Tổ chức tuyên truyển tại gia đình, cộng đồng, đặc biệt tại các trường học, nhà trẻ, trường mầm non…để kịp thời phản ánh, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè với các thông điệp và nội dung:

+ Rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh và hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

+ Thực hiện vệ sinh cá nhân, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phòng, chống bệnh lây qua đường tiêu hóa.

+ Hưởng ứng và tham gia tiêm chủng đối với các đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho bản thân và gia đình với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng.

+ Vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt phòng, chống các bệnh lây truyền qua muỗi…

- Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để chủ động đáp ứng các tình huống dịch xảy ra.

3.2. Cách thức thực hiện

- Giám sát dịch tễ thường quy: Được thực hiện tại tất cả các xã, thị trấn. Giám sát dịch tễ chủ động bao gồm: Giám sát bệnh nhân, giám sát véc tơ truyền bệnh nhằm phát hiện sớm và đề ra các biện pháp can thiệp, xử lý, ngăn chặn sự bùng phát dịch kịp thời và hiệu quả.

+ Tuyến huyện: Giám sát tại TTYT huyện, phòng khám tư nhân trên địa bàn tối thiểu 1 buổi/tuần. Giám sát tại cộng đồng tối thiểu 2 buổi/tháng. Giám sát đột xuất tại các điểm nguy cơ hoặc khi có yêu cầu.

+ Tuyến xã: Chủ động giám sát tại trạm y tế, tại cộng đồng, khi phát hiện ca bệnh, ổ dịch tập chung phải báo cáo ngay cho Trung tâm y tế huyện để tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp chủ động phòng chống.

4. Công tác thông tin, báo cáo

Thực hiện tốt chế độ thông tin , báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế.

5. Công tác kiểm tra

  • Kiểm tra định kỳ: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện có kế hoạch định kỳ kiểm tra công tác phòng chống dịch (hàng quý TTYT huyện tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các xã, thị trấn; hàng tháng xã, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn).

  • Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện tổ chức kiểm tra đột xuất để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch

III. Tổ chức thực hiện

1. Khoa Kiểm soát bệnh tật –HIV/AIDS.

Tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch của đơn vị đáp ứng theo diễn biến tình hình dịch, triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng khoa phòng, cán bộ nhân viên trong cơ quan và các trạm y tế xã, thị trấn. 

Tổ chức triển khai mạng lưới giám sát dịch trên địa bàn. Phối hợp với khoa Truyền nhiễm và các trạm y tế thực hiện giám sát ca bệnh kịp thời, tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để các ổ dịch. Có biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia xử lý ổ dịch tại địa phương, cơ sở. 

Đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng dự trữ để phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng như trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ trực tiếp tham gia điều tra và xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân.

Phối hợp với Đài phát thanh huyện, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng chống bệnh dịch. Cập nhật kịp thời với diễn biến tình hình dịch trên địa bàn để người dân hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh chủ động; nội dung tuyên truyền phải phù hợp không để người dân hoang mang lo lắng.

Chỉ đạo TYT các xã, thị trấn triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông phòng chống các dịch bệnh mùa hè.

2. Khoa xét nghiệm.

Phối hợp với Khoa KSBT/HIV-AIDS tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm các ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng gửi Trung tâm tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.

3. Khoa y tế công cộng - ATTP và dinh dưỡng.  

Tăng cường kiểm tra giám sát công tác vệ sinh môi trường, tại các xã, thị trấn đặc biệt chú ý những xã có ổ dịch cũ.

Khi có ca bệnh tiến hành giám sát và xử lý môi trường theo đúng quy định không để dịch bệnh lây lan.

4. Khoa Dược-Vật tư TTB y tế

Phối hợp với khoa KSBT-HIV/AIDS lập dự trù vật tư, hóa chất lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp, để phục vụ cho các hoạt động phòng chống dịch.

5. Trạm y tế các xã, thị trấn.

Tham mưu với UBND xã xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh mùa hè. Cung cấp tài liệu truyền thông cho hộ gia đình; Phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã PCD bệnh mùa hè.

Phối hợp với các ban ngành đoàn thể ở địa phương, phát huy vai trò Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã, triển khai các hoạt động phòng chống dịch:

Phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải diệt diệt lăng quăng (bọ gậy);

Tổ chức giám sát các ca bệnh tại cộng đồng, trường học báo cáo kịp thời về Trung tâm y tế tuyến huyện để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.  

Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên phòng chống dịch trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, ổ dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch.

Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS