Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

08/01/2024

* Ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Luật số 10/2022/QH15 Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 Chương, 91 Điều, quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị bao gồm việc công khai thông tin tại cơ quan, đơn vị; những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định và tham gia ý kiến; nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan, đơn vị.


Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Xem chi tiết Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15) tại đây.

 

* Ngày 14/8/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

 Theo đó, Nghị định 59 quy định chi tiết khoản 4 Điều 23; khoản 4 Điều 33; khoản 3 Điều 40; khoản 4 Điều 45; khoản 3 Điều 63 và khoản 4 Điều 81 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm các nội dung sau:

- Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố để Nhân dân bàn và quyết định; quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; tổ chức hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư.

- Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị; ở doanh nghiệp nhà nước.

 Đối tượng áp dụng là:

 - Công dân Việt Nam cư trú tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị; doanh nghiệp nhà nước và người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn; trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tại các doanh nghiệp nhà nước.

 Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023

Xem chi tiết Nghị định số 59/NĐ-CP tại đây./.