Trong thời gian qua, đã có nhiều thông tin về những trẻ vị thành niên sinh con ngoài ý muốn. Điều này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số và xã hội. Để hạn chế trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản phải được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái.
Bắc Ninh có dân số trong nhóm tuổi dưới 15 là 317.199 người, chiếm 25,26% tổng dân số. Nhóm tuổi từ 10-24 của tỉnh chiếm khoảng 25% dân số. Ở lứa tuổi này các em đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS). Số vị thành niên có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, có con sớm, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục…có xu hướng gia tăng.
Theo các chuyên gia, mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, giáo dục và quyền cũng như cơ hội phát triển của trẻ em gái. Về sức khỏe, trẻ em gái mang thai khi cơ thể phát triển chưa hoàn thiện dễ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và con do những biến chứng thai kỳ. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỷ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Trong quá trình lớn lên, những em bé này sẽ khó có thể nhận được sự chăm sóc đầy đủ do mẹ thiếu kiến thức và kỹ năng trong nuôi dạy con cái. Về tâm lý, nhiều em sẽ phải trải qua một quá trình diễn biến tâm lý phức tạp, dễ trầm cảm, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, nếu không được hỗ trợ, động viên kịp thời từ phía gia đình, người thân, trẻ có thể gặp những vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí tự tử...Về giáo dục, một trong những hậu quả dễ nhìn thấy nhất khi mang thai ở tuổi vị thành niên, việc học hành bị ảnh hưởng rõ rệt, các em có thể phải tạm dừng học hoặc thậm chí bỏ học. Hệ quả là các em sẽ thiệt thòi hơn các bạn bè cùng lứa về cơ hội học hành, việc làm.
Nguyên nhân dẫn tới gia tăng tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên là do xã hội ngày càng phát triển, một số trẻ vị thành niên có thái độ khá cởi mở về tình yêu và tình dục, nhưng các em lại thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản và tình dục. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay khi mạng internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, nhiều thông tin tiêu cực vẫn chưa được kiểm soát. Trong khi đó, giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản chưa được chú trọng đúng mức và chưa có sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của các cơ quan có trách nhiệm liên quan, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình.
Để cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của VTN, TN, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, tư vấn giáo dục tiền hôn nhân, kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em; tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật chăm sóc SKSS, SKTD có chất lượng, phù hợp với điều kiện học tập, làm việc và sinh hoạt của nhóm VTN-TN, cũng cần thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục trẻ em. Thay vì cấm đoán, bao bọc thì gia đình, nhà trường và xã hội hãy đồng hành cùng trẻ em, tạo ra môi trường phù hợp để trẻ em có thể chia sẻ những thắc mắc của mình về giới tính, tình dục, đồng thời hướng dẫn trẻ em về tình yêu, tình bạn, về tình dục an toàn và những biện pháp để bảo vệ mình đúng cách.
ChuyenNguyen - TTYT huyện Tiên Du