Tiên Du: Đẩy mạnh tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh

21/07/2023

Theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng dân số, giống nòi.

 

Ảnh:  Internet

          Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng những biện pháp thăm dò đặc hiệu (xét nghiệm một số bệnh lý di truyền thường gặp ở thai nhi hoặc siêu âm sàng lọc) trong từng giai đoạn khác nhau của thai kỳ, giúp bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường và đưa ra chẩn đoán thai nhi có mắc dị tật bẩm sinh hay không. Một số dị tật thai nhi thường gặp là hội chứng Down, hội chứng Edward, Hội chứng Turner, dị tật ống thần kinh, sứt môi, hở hàm ếch. Một số phương pháp sàng lọc trước sinh được áp dụng phổ biến nhất hiện nay là: chọc ối, Double test, Triple test, xét nghiệm NIPT, siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan thai nhi...  

          Trong khi đó, sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng xét nghiệm máu gót chân trong khoảng thời gian 48-72 giờ sau khi trẻ chào đời,  giúp chẩn đoán xác định những rối loạn bẩm sinh và di truyền, ví dụ: thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận,...

          Để nâng cao tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hàng năm, Trung tâm Y tế  huyện Tiên Du đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động, trong đó chú trọng đến công tác truyền thông chuyển đổi hành vi như: Phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện đưa tin bài tuyên truyền; tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh, các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ tại thôn, xã về lợi ích của việc tham gia khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; thực hiện khám sàng, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho thai phụ khi đến khám tại phòng khám của Trung tâm và tại các Trạm y tế xã, thị trấn.... Bên cạnh đó, Trung tâm cũng quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao kỹ thuật siêu âm chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cho cán bộ y tế. Đối với các trường hợp có nguy cơ hoặc có chẩn đoán nghi ngờ mắc dị tật, các bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ và gia đình hướng xử trí tốt nhất. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ thai phụ tham gia sàng lọc trước sinh và số trẻ được sàng lọc sơ sinh ngày càng tăng.

          Theo số liệu báo cáo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, tại huyện Tiên Du, trong tổng số 910 phụ nữ mang thai, có 719 người được sàng lọc, đạt tỷ lệ 79%; Tổng số trẻ sinh ra là 915, trẻ, có 771 trẻ được sàng lọc sơ sinh, đạt tỷ lệ 84,3%.

          Hiện nay, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5 – 2% số trẻ mới sinh. Số trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700 trẻ. Do vậy, cả sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đều rất cần thiết với sự phát triển của trẻ. Bởi một số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này.

          Với những lợi ích, ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, các gia đình, đặc biệt là những phụ nữ có ý định mang thai, sinh con hãy quan tâm hơn, chủ động đi khám sàng lọc ngay từ khi mang thai để cho ra đời những em bé khỏe mạnh và bảo vệ, chăm sóc tốt cho con.

ChuyenNguyen - TTYT huyện Tiên Du