Từ ngày 01/4/2023, COVID-19 được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội

16/02/2023

         COVID-19 trở thành bệnh nghề nghiệp thứ 35 được hưởng bảo hiểm xã hội, bắt đầu từ ngày 01/4/2023 theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội do Bộ Y tế vừa ban hành.

        Bộ Y tế nêu rõ bệnh COVID-19 được xem là một loại bệnh nghề nghiệp. Bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Các yếu tố gây bệnh được xác định bằng một trong các văn bản bao gồm: Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2; Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định; Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.

        Theo Bộ Y tế, người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 bao gồm các nhóm cơ bản:

       1. Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế;

       2. Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2;

     3. Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 bao gồm:

        -  Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà;

        - Người vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19;

        - Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19.

        - Người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19;

        - Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh;

        - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng;

        - Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an;

        - Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

        Theo Bộ Y tế, thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp) là một lần. Thời gian bảo đảm (khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với nguồn lây đến thời điểm phát bệnh là 28 ngày.

        Việc chẩn đoán xác định bệnh COVID-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28-1-2022 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 và Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 27-2-2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

        Thời gian khám xác định di chứng được tính từ sau tối thiểu sáu tháng kể từ khi mắc bệnh COVID-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.

        Bộ Y tế hướng dẫn những người làm nghề, công việc trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1-2-2020 đến trước ngày 1-4-2023 được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.

        Trường hợp người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội nếu bị mắc COVID-19 sẽ được hưởng các khoản tiền sau:

        - Chế độ ốm đau: Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động bị mắc COVID-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc COVID-19.

        - Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Tại Điều 29 của Luật BHXH năm 2014, sau khi điều trị các bệnh khác hoặc COVID-19, nếu người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

        - Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 7 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật và 5 ngày đối với các trường hợp khác.

        - Tiền lương nếu chưa nghỉ hết phép: Nếu người bị mắc COVID-19 nghỉ việc để điều trị mà vẫn còn phép năm thì thời gian nghỉ việc này có thể được trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương.

Tổng hợp