Ngày 14 tháng 12 năm 1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 01 tháng 10 hàng năm là Ngày Quốc tế người cao tuổi. Ngày Quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 01/10/1991, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi (NCT), chẳng hạn như quá trình lão hóa và việc lạm dụng NCT. Đây cũng là một ngày để đánh giá cao những đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội.
Năm 2020, kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10 và “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam”, với chủ đề "Chung tay chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi", nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với NCT, nhất là ở gia đình và cộng đồng.
Nước ta là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Kể từ cuối năm 2011, số người từ 60 tuổi ở nước ta đã chiếm 10,2% dân số và Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già. Dự báo rằng, năm 2038 Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi (trong đó, nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi), dự báo năm 2030 sẽ là 78 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh của NCT ở nước ta lại khá thấp, chỉ khoảng 64 tuổi (thấp hơn tuổi thọ bình quân khoảng 10 tuổi). Khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 NCT Việt Nam mắc 3 bệnh, phổ biến là bệnh về giác quan, tim mạch, xương khớp, nội tiết - chuyển hóa, tiêu hóa, tâm thần kinh, hô hấp, thận tiết niệu…Vì vậy, cần có những chính sách để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số của Việt Nam. Trong đó, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.
Tại Bắc Ninh, trong thời gian qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để chăm lo, hỗ trợ cho NCT như: Quy định về việc trợ cấp xã hội hàng tháng đối với NCT từ 70 đến dưới 80 tuổi; quy định về việc hỗ trợ kinh phí tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với NCT từ đủ 65 tuổi trở lên. Liên quan đến công tác y tế và dân số, đã có nhiều hoạt động được triển khai, như: Vận động xã hội chung tay vì sức khỏe NCT; thực hiện truyền thông, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn về các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng; lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ cho NCT...
Quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng NCT tại gia đình và cộng đồng là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn, nhân đạo sâu sắc thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đồng thời góp phần tạo động lực mạnh mẽ để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.