Những điều cần biết về bệnh lao phổi

23/03/2023

              Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacteriumtubercurosis) gây ra, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể phổ biến nhất (chiếm 80- 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao chữa được và chữa khỏi được, người mắc lao có thể sống và sinh hoạt, làm việc bình thường nếu như người mắc lao thực hiện đúng tuân thủ đủ liệu trình điều trị.

             Trên thực tế tỷ lệ người mắc lao tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và xuất hiện các trường hợp lao kháng thuốc, tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc do không tuân thủ điều trị, điều này làm cho công tác điều trị và phòng, chống bệnh lao gặp nhiều khó khăn. Đây là những thể bệnh lao có thể dẫn đến tử vong cao so với các thể lao khác, tỷ lệ lao phổi cao: lao tái phát, lao kháng thuốc có thể gây nên các biến chứng nặng nề như: Ho ra máu, tràn khí màng phổi... Người mắc lao không những là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây lan chủ yếu cho gia đình và cộng đồng.

           Một số đường lây truyền bệnh lao phổi:

- Lây truyền qua đường hô hấp do người lành hít phải vi khuẩn lao từ giọt bắn của đờm, nước bọt, kích thước nhỏ như hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao của người mắc lao phổi giai đoạn tiến triển, người mắc lao ho khạc nhổ bừa bãi ra môi trường, nói chuyện, hắt hơi ra ngoài không khí.

          - Lây truyền qua ăn uống chung bát, thìa, đũa... với người mắc lao. Vi khuẩn lao đôi khi tiềm ẩn trong cơ thể (gọi là nhiễm lao hay còn gọi là lao tiềm ẩn) nhưng chưa gây thành bệnh lao, khi sức khỏe cơ thể ta suy yếu giảm sức đề kháng hoặc do làm việc nặng nhọc, quá sức, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn, môi trường sống không đảm bảo vệ sinh... vi khuẩn lao sẽ sinh sôi nảy nở và nhanh chóng gây thành bệnh lao.

           Khi bị nhiễm vi khuẩn lao tái phát, lao kháng thuốc bệnh nhân phải chịu đựng những tổn thương của lần mắc lao trước, các tổn thương này làm biến đổi cấu trúc của phổi dẫn tới bệnh nhân có những biểu hiện như: Đau tức ngực, khó thở, xẹp phổi... Phát hiện sớm bệnh Lao và điều trị kịp thời sẽ giúp chúng ta ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng.

          Bệnh lao được chẩn đoán xác định qua xét nghiệm đờm, chụp Xquang nhưng một số trường hợp không điển hình việc chẩn đoán bệnh lao phải sử dụng đến các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

          Khi có các biểu hiện sau bạn cần đến xét nghiệm đờm, chụp phim X- Quang phổi:

         - Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần.

        - Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.

        - Sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ra mồ hôi trộm nhiều về đêm.

        - Đau ngực, khó thở, ho ra máu.

          Trước tình hình bệnh lao ngày càng tăng cao, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia về dự phòng bệnh lao gồm các biện pháp sau:

          Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao Dự phòng lây nhiễm tại hộ gia đình: người mắc lao phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị. Để tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh, người mắc lao cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi ho, hắt hơi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên; đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người mắc lao: thông khí tự nhiên cửa ra vào, cửa sổ…. có ánh nắng; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn màn. Những thành viên sống cùng với người mắc lao nên đi khám sức khỏe định kỳ, tiêm thử phản ứng Mantoux để xác định có bị nhiễm lao hay không.

          Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao, cần đưa trẻ đi tiêm phòng lao càng sớm càng tốt bằng vắc xin BCG có thể tránh được các thể lao nặng như lao kê, lao màng não. Nhưng dù đã tiêm phòng lao, ở thời kỳ chưa có miễn dịch, không nên để trẻ tiếp xúc với nguồn lây; khi đã có miễn dịch rồi cũng hết sức hạn chế, không để trẻ cùng sống hay tiếp xúc với người mắc lao: ho khạc ra vi khuẩn lao, đồng thời tránh các bệnh nhiễm khuẩn khác làm suy giảm miễn dịch trẻ dễ bị mắc lao.

          Điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (điều trị lao tiềm ẩn) Đối tượng: tất cả những người nhiễm HIV (người lớn và trẻ em) đã được sàng lọc hiện không mắc bệnh lao tiến triển; trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây là người mắc lao phổi AFB dương tính. Người mắc bệnh lao cần tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định.

          Theo Thông tư 36/2021 TT-BYT ngày 31/12/2021 về việc Quy định khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao. Vì vậy ngay hôm nay hãy mua bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bằng bảo hiểm y tế, góp phần giảm chi phí, kinh tế của gia đình, xã hội và bản thân./.

Nguyễn Viết Tính

Khoa KSBT-HIV/AIDS